[REVIEW SÁCH] Giấc mơ Mỹ - Đường đến Stanford | Chúng ta cũng chỉ là những con vịt thôi |

Giấc mơ du học luôn là thứ gì đó rất đẹp với mỗi người trẻ. Tôi cũng từng mơ mộng có được cuộc sống đại học trên mây ở những nơi được mệnh danh là thiên đường giáo dục, ước ao nhận được sự hỗ trợ về học thuật tân tiến và hiệu quả nhất. Vì chung quy lại, ai cũng muốn điều tốt nhất cho mình, đặc biệt là trong lĩnh vực trau dồi, phát triển bản thân. Và Stanford chính là một nơi điển hình như vậy.

Tôi biết Huyền Chip trước khi chị ấy quyết định tạm dừng chủ nghĩa xê dịch, trở lại Đại học và phát hành quyển sách này. Dĩ nhiên, ai cũng biết Huyền Chip từng là hiện tượng trên mạng xã hội một thời. Câu chuyện đi xe nhờ xuyên Châu Phi không những đã truyền cảm hứng "đi" cho rất nhiều bạn trẻ, mà còn trở thành đề tài được đem ra bàn tán thường xuyên vì quá lạ lẫm, quá táo bạo và mạo hiểm trong bối cảnh lúc bấy giờ. Có một thời, chị ấy dính vào những tin đồn rắc rối liên quan đến việc nói quá về chuyến đi của mình. Tôi cơ bản là không quan tâm. Đề tài du lịch, trải nghiệm, đi,... lúc đó cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chưa bao giờ thu hút một đứa có xu hướng sống an toàn và an yên tại vị như tôi. Vì thế, hồi đó tôi cũng không quan tâm gì Huyền Chip lắm.
Nhưng tôi tình cờ nhìn thấy quyển sách này trên kệ trong một lần dạo nhà sách. Bìa sách màu xanh rất dễ chịu, chị ấy đang ngồi trên một chiếc bus có khung cửa sổ vàng và mỉm cười trong gió. Phía sau mờ hẳn đi, tôi không phân biệt được những đốm sáng lập lòe là đèn đường hay của những phương tiện giao thông khác. Tên tác giả quen thuộc, nếu không muốn nói là "cũ rích". Nhưng đề tài thì khác.

Học thuật.

Là chủ đề mà tôi vô cùng quan tâm và hứng thú. Vậy nên tôi mua quyển sách bé xíu đó về.

Quyển sách gần giống như những dòng hồi ký ngắn của Huyền Chip trong 1 - 2 năm đầu học tập và làm việc tại trường Đại học Stanford, hơn là một quyển cẩm nang hay hướng dẫn như nhiều người dễ lầm tưởng khi nhìn tên sách. Tôi đã đọc quyển "Nếu tôi biết được khi còn 20" của Tina Seelig - một giảng viên ở Standford. Tôi biết ngôi trường đó như thế nào. Lúc đầu, tôi có hơi choáng vì một cô gái lựa chọn "đi bụi" thay vì học đại học, khi quyết định quay trở về giảng đường, lại có cơ hội học tập ở một trong những ngôi trường nổi tiếng và danh giá bậc nhất thế giới. Lúc đó, tôi không khỏi cảm thấy ngưỡng mộ cô gái này vô cùng. Vì chị ấy thật sự rất bản lĩnh.

Thật ra tôi chưa từng cảm thấy Huyền Chip đi nhiều như vậy là giỏi giang, mạnh mẽ. Tôi cũng chưa từng mua quyển sách "Xách balo lên và đi" nổi tiếng của chị ấy. Ngược lại, tôi cảm thấy một người guồng chân như Huyền Chip, sau này chấp nhận gác lại đam mê đi của mình để học đại học, đó mới thật sự là bản lĩnh. Tuy nhiên, Standford trong mắt Huyền Chip không hề màu hồng như nhiều người vẫn hình dung.

Sinh viên Standford chẳng phải đi đâu trong suốt cả năm mà vẫn có thể "sống tốt". Bên trong khuôn viên trường đại học danh giá có đầy đủ bưu điện, bệnh viện, cảnh sát, cứu hỏa, cửa hàng đồ ăn nhanh, quán ăn, quán cà phê,... Huyền Chip mô tả ngôi trường như một quả bóng khổng lồ tách biệt với thế giới bên ngoài. Sinh viên trong trường tử tế, lịch sự. 70% sinh viên Standford đến từ những gia đình có thu nhập 6 con số trở lên. Bạn bè của Huyền Chip trong trường là những tay đấu cờ vua từng thi đấu tại những giải thế giới và giành được huy chương, những người lựa chọn tắt hai cái "bếp" gia đình và bạn bè để bật cái bếp sự nghiệp.

Hào nhoáng và đẹp như một giấc mơ.

Thật ra phần mà tôi nhớ nhất trong quyển sách này đó là lúc Huyền Chip đề cập đến Hội chứng con vịt. Bạn có thể dễ dàng gặp một người có hội chứng này ở ngoài đời: một người luôn cười nói, vui vẻ, tưởng chừng có cuộc sống hạnh phúc và vô lo. Nhưng, chỉ những ai thật sự thân thiết hay chính bản thân người đó mới biết thật ra vẻ ngoài ung dung đó chẳng khác nào bề ngoài trầm mặc của một con vịt - một con vịt đang gắng gượng quẫy đạp dưới mặt nước để giữ cho mình không bị chìm. Đó là lần đầu tiên tôi nghĩ rằng cái bất hạnh của một con vịt không phải là nó có khả năng bị giết thịt mà là dù nó có đang đau khổ như thế nào, không một ai kể cả đồng loại của nó có thể biết và thấu hiểu được.

Chúng ta cũng là những con vịt thôi.

Gần đây, tôi học được bài học rằng phải luôn để mình được hạnh phúc. Trước khi bắt đầu một hành trình hay cơ hội mới, tôi luôn tự hỏi điều này sẽ mang về cho mình kinh nghiệm, sự vui vẻ, hay áp lực? Kỷ luật bản thân để tốt hơn mỗi ngày từng là điều đáng ngưỡng mộ nhất mà tôi nghĩ đến. Nhưng tôi đã tìm ra điều đáng ngưỡng mộ hơn cả. Đó là biết thông cảm cho bản thân! Đừng như con vịt, chịu đựng những đau khổ một mình. Sẽ luôn có ai đó bên cạnh, hãy nói ra, hay ít nhất hãy thể hiện ra.

Để mọi người xung quanh có thể làm gì đó để giúp bạn!

Đọc thêm nhiều bài viết của Olivia Nguyen tại: oliviasaysmeow.postach.io