GIÓ
Published by Olivia Nguyen,
Tôi được biết rằng trước những lời cầu hôn của người tình Federico Garcia Lorca – người nghệ sĩ, người chiến sĩ tuyệt vời của đất nước Tây Ban Nha, niềm cảm hứng cho nhà thơ Thanh Thảo sáng tác “Đàn Ghi-ta của Lorca" nổi tiếng – Anna Maria, cô gái của Lorca lúc bấy giờ, đã chưa một lần gật đầu đồng ý. Bởi cô cho rằng, Lorca là một cơn gió tự do, không thể bị trói buộc trong một khuôn khổ chật hẹp. Lorca là người của trời, đất, mây, nước; không thể bó hẹp anh ta trong một mối quan hệ với vợ - con, làng – xóm, công việc, mưu sinh,…
Mỗi cô gái đều là Anna Maria, không phải sao? An yên, tại vị, ổn định, ôn hòa, thật khó để lựa chọn một cơn gió.
Tôi nhận ra phụ nữ ở những tuổi từ 18 đến 25, là khoảng thời gian cô ấy “xê dịch" nhất. Tôi biết thế, qua bạn bè, chị em tốt, những người phụ nữ quanh tôi, những người chỉ có thể “chạy" trong vỏn vẹn bao nhiêu năm đó, rồi mỏi chân. Nhưng cũng thật trớ trêu! Vào chính lúc những người phụ nữ bắt đầu chạy chậm lại, hoặc dừng lại, thì cũng là lúc đàn ông bắt đầu cuộc hành trình thực sự của mình với gánh nặng trong mong ước lớn lao với sự nghiệp, trở thành vĩ nhân, hay đơn giản chỉ là để thỏa mãn chí phiêu bồng của mình thôi. Vậy trong một mối quan hệ như thế, đàn ông thật chẳng khác nào những cơn gió. Những cơn gió không bao giờ đứng yên một chỗ.

Nhiều người nói với tôi cái thời “trọng nam khinh nữ" đã đi qua rất lâu rồi. Thời đại bây giờ, đàn ông giỏi cũng có phụ nữ giỏi, đàn ông đi đây đi đó và cũng có những người phụ nữ sẵn sàng xách balo lên chẳng ngại ngần. Nhưng bà tôi, mẹ tôi, dì tôi, chị tôi, không hiểu sao tôi vẫn thấy họ khổ hơn đàn ông. Cái khổ ở đây chẳng phải chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau; chẳng phải nỗi lo hằng ngày các con ăn ngon mặc đẹp, đi học đúng giờ dù phải gánh vác hàng trăm công việc khác. Cái khổ ở đây cũng không phải lo cơm, lo nước, lo áo, lo quần, lo cho nhà cửa sạch sẽ, tươm tất từ ngoài vào trong. Tôi cũng chẳng muốn đề cập đến việc họ phải ghi nhớ lẫn vun vén lẫn chi li những ngày quan trọng trong năm như ngày giỗ ông bà, thờ cúng tổ tiên,… Mà thứ tôi muốn nói đến ở đây, thứ khiến họ đau khổ nhất, buồn bã, tủi hờn và bất an nhất, chính là mỗi một người trong số họ, đều phải chung sống với một cơn gió, không phải sao?
Đó là cảm giác gì nhỉ? Tôi cũng không lí giải được. Đại khái chẳng ai có thể bắt một cơn gió ngừng bay. Cơn gió bay càng xa, nỗi bất an trong phụ nữ lại càng lớn, nhưng chẳng ai có nghĩa vụ ngó ngàng hay thanh minh cho nỗi bất an, vốn chỉ được coi là “cảm xúc đơn thuần" đó. Đó là cảm giác mà bạn sợ có chuyện gì đó xảy ra, nhưng không biết rốt cuộc nó có xảy ra hay không. Đó là cảm giác không còn cách nào khác ngoài phải vin và phải tựa vào mỗi lần cơn gió trở lại, chẳng có cách nào khác ngoài đợi chờ. Đó là cảm giác bất an đến nỗi muốn trách móc, muốn hờn ghen, nhưng đâu thể được vì ngoài tầm với. Lần đầu tiên tôi thấy đôi khi phụ nữ phát hiện đàn ông ngoại tình, cảm giác ấy lại thoải mái hơn nhiều so với việc cô ấy cứ mải ở đó, tự vấn hàng nghìn lần cơn gió đã đi đâu, làm gì,… Tôi thấy nó đỡ bất lực và day dứt hơn nhiều khi phụ nữ dứt áo ra đi trong niềm tin chắc chắn mắt thấy tai nghe, so với việc cô ấy chỉ biết ngồi đó, và khóc, và buồn bã, và rấm rứt khi không thể đổ lỗi cho bất cứ thứ gì khác ngoài đay nghiến bản thân mình yếu đuối, ngu ngốc.

Bài hát chủ đề ấn định trong bộ phim nổi tiếng Hoàn Châu Cách Cách phần 2 ngày đó tôi xem đi xem lại không biết chán có tên “Chàng là gió, em là cát". Mở đầu bài hát, có một đoạn thế này: “Chàng là gió, em là cát, gió nhẹ phiêu phiêu, cát cũng phiêu phiêu, cơn gió cứ thổi, hạt cát cứ bay, ngọn gió thổi đến Thiên Sơn, hạt cát cùng bay đến Thiên Sơn". Ngày đó nghe, tôi tưởng chừng cả gió và cát đều thật hạnh phúc khi được quấn quít bên nhau không rời như thế, tôi cảm nhận tình cảm của Hàm Hương và Mạch Nhĩ Đan một cách rõ rệt. Nhưng giờ khi đã trưởng thành rồi, tôi mới giật mình nhận ra hóa ra cát lại phụ thuộc vào gió đến vậy. Rằng nếu một ngày gió ngừng thổi qua sa mạc, chẳng phải cát sẽ chẳng thể nào bay theo gió sao? Rằng nếu một ngày, chàng trai của bạn đột nhiên bỏ đi, chắc có lẽ, bạn sẽ mãi mãi lẩn quẩn trong vòng tròn khép kín tìm kiếm và chờ đợi, lo sợ và quẩn quanh những suy nghĩ, lẫn tình cảm, lẫn mỏi mệt?

Tôi từng tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ để mình lựa chọn một cơn gió làm người đồng hành trong cuộc sống. Tôi tự ý thức chính bản thân tôi đủ đa nghi và khó chiều để cần một cái gì đó hay một ai đó quẩn quanh tôi và ổn định một chút, yên vị một chút. Nhưng thật sự tương lai không bao giờ có thể đoán được. Những gì đến sẽ đến. Và, tôi nghĩ, dù các bạn, những cô gái, có chọn ai đi nữa, miễn là các bạn nhìn thấy hạnh phúc trong mối quan hệ đó và cảm thấy mình không thiệt thòi, thì hãy làm những gì mình muốn đi. Cứ nghĩ đến một ngày đó, khi cơn gió đi đủ xa để cát không thể nào bay theo được nữa, thì sao? Thì cát sẽ tự lần mò trở lại sa mạc của mình, bước ra khỏi vòng tròn tình cảm dị dạng nhiều nước mắt, làm những việc mà thời gian cũ, vì lí do gì đó, ta đã tạm gác lại vì một người. Thì cô gái đó sẽ lại có những niềm vui mới lấp đầy trong thế giới nhỏ của riêng nàng. Thì cô gái sẽ lại xinh đẹp, và sẽ lại tỏa sáng. Tôi ngưỡng vọng các cô gái bởi cái cách cô ấy ngẩng cao đầu và kiêu hãnh bước ra khỏi chốn cũ, chứ không phải vì cô ấy đã tóm được bao nhiêu cơn gió.
Vì gió rồi cũng bay đi thôi.
Và như tôi đã nói ở trên đó. Chẳng ai có thể bắt một cơn gió ngừng bay. Vậy tại sao bản thân mỗi chúng ta không thể là một cơn gió, tự tại và phiêu lưu trong những ngóc ngách của riêng mình. Vẫn biết bản năng của phụ nữ là hy sinh và chịu đựng, nhưng vẫn phải tự hỏi, có xứng đáng không?